Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Bùi Văn Hộ
áng ngày 12/10/2018, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Bùi Văn Hộ với đề tài: Nghi lễ Mỡi của người Mường (nghiên cứu trường hợp người Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), chuyên ngành: Văn hóa dân gian, mã số: 9229041, do PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, TS. Hoàng Sơn hướng dẫn.
Hội đồng bảo vệ luận án
Trong đời sống người Mường nói chung, người Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nói riêng, thầy Mo, Trượng, Mỡi là những người tổ chức các nghi lễ liên quan về vòng đời người, từ khi sinh ra cho đến khi sang thế giới bên kia. Tuy mục đích và hình thức tổ chức các nghi lễ khác nhau nhưng đều nhằm truyền tải ước muốn của con người về sức khỏe, sống lâu, gia đình được bình an, mùa màng, vạn vật tươi tốt, ước mong về một cuộc sống tốt đẹp.
Các nghi lễ Mỡi là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Mường. Để nhận diện một cách rõ ràng về vai trò và chức năng thực hành nghi lễ Mỡi, giá trị cũng như bản chất Shaman giáo của nghi lễ, NCS Bùi Văn Hộ đã lựa chọn đề tài Nghi lễ Mỡi của người Mường (nghiên cứu trường hợp người Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) làm luận án tiến sĩ.
NCS Bùi Văn Hộ
Luận án đã nhận diện nghi lễ Mỡi, vai trò của thầy Mỡi, các quan điểm về bệnh, hình thức chữa bệnh của người Mường, cầu yên trong văn hóa tín ngưỡng người Mường. Nghi lễ không thể đứng riêng, tách rời khỏi nền tảng văn hóa của cộng đồng mà khi văn hóa biến đổi, các thực hành tín ngưỡng cũng biến đổi theo như là một quy luật. Luận án cũng đã làm rõ sự biến đổi trong cách thức tổ chức nghi lễ Mỡi, trong lời cầu cúng, đồ thờ cúng, trong không gian thực hành nghi lễ, thay đổi về ban thờ, lễ vật dâng cúng của thầy Mỡi.
Luận án là một công trình nghiên cứu chuyên sâu, đã nhận diện và cung cấp cách hiểu rõ hơn về hệ thống nghi lễ Shaman giáo, mang tính ma thuật. Thông qua trường hợp nghiên cứu nghi lễ Mỡi của người Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, luận án đã đóng góp vào bức tranh chung trong khoa học nghiên cứu về các tín ngưỡng bản địa, thể hiện sự đa dạng về văn hóa tín ngưỡng của các cộng đồng tộc người ở Việt Nam và trên thế giới.
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể ứng dụng vào trong thực tiễn, làm căn cứ để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, chính quyền địa phương áp dụng trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tín ngưỡng trong xã hội đương đại. Ngoài ra, luận án là tài liệu tham khảo trong giảng dạy và nghiên cứu về văn hóa dân gian, nhân học tôn giáo, tín ngưỡng.
Hội đồng phản biện, đánh giá luận án
Người hướng dẫn khoa học
Ngoài phần Mở đầu (9 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (8 trang) và Phụ lục (20 trang), nội dung luận án gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận (37 trang)
Chương 2: Địa bàn nghiên cứu của người Mường, văn hóa tín ngưỡng của người Mường (15 trang)
Chương 3: Thầy Mỡi và việc thực hành nghi lễ Mỡi của người Mường ở Lạc Sơn (38trang)
Chương 4: Nghĩ lễ Mỡi trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Mường ở Lạc Sơn (42 trang)
NCS Bùi Văn Hộ đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của ba vị phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Bùi Văn Hộ đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành công nhận học vị Tiến sĩ Văn hóa học cho NCS Bùi Văn Hộ./.
Nguồn : http://vicas.org.vn/
Để lại bình luận