You are here:  / Tài nguyên / TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI MƯỜNG HÒA BÌNH
tải xuống

TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI MƯỜNG HÒA BÌNH

 

Kim Hoa

Người Mường gọi Tết cổ truyền là Thết Năm mởi, kéo dài 8 ngày bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp. Lịch Mường xưa tính theo tuần trăng, song cách tính khác người Kinh, tính “ngày lui, tháng tới”.

Ngày vẫn tính theo âm lịch, song lui lại 1 ngày. Ngày âm lịch là ngày 15 trăng tròn, lịch Mường tính lui lại một ngày đó là ngày 14. Ngày mồng 1 đầu tháng của âm lịch không có trăng, song ngày mồng 1 lịch Mường đã có trăng non, nghĩa là tính theo tuần trăng. Tháng vẫn tính như âm lịch của người Kinh.

Về tháng chỉ ở vùng Mường Bi, nay cơ bản gồm 7 xã: Phú Vinh, Mỹ Hoà, Phong Phú, Tuân Lộ, Địch Giáo, Quy Mỹ, Do Nhân huyện Tân Lạc tính “lui một ngày, tới 3 tháng”. Ngày vẫn lui 1 ngày song tính hơn 3 tháng. Tháng Giêng của các Mường khác ở Mường Bi gọi là tháng Ba.

Ngày 27 tháng Chạp, vùng Lạc Sơn gọi là ngày tha lả – rửa lá làm bánh; rửa các nông cụ để chúng cùng ăn Tết. Ngày 29 tháng Chạp theo lịch Mường, tức ngày 30 Tết âm lịch, người Mường gọi ngày này là ngày chín lụn có bữa cơm chín lụn – bữa cơm tất niên vào buổi tối. Đây là bữa cơm quan trọng và thiêng liêng giã từ năm cũ chuẩn bị đón năm mới.

Ngày chín lụn cũng là ngày các thầy Mo, Clượng, Mỡi lấy rượu ngon rửa sạch sẽ. Đây cũng là ngày họ truyền dạy các lời khấn quan trọng, các bí quyết hành nghề cho thế hệ sau.

Đón giao thừa của người Mường thường đánh chiêng, đánh trống, đốt pháo (ngày nay tục đốt pháo đã bỏ theo quy định của Nhà nước), con cháu ra vó nước lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên, nước này ở vùng Kim Bôi gọi là nước Tiên, ở vùng Lạc Sơn gọi là nước Thặng Thiên.

Sinh hoạt văn hóa Cồng chiêng là nét đặc sắc của đồng bào Mường. Cồng chiêng được trình diễn ở hầu hết các hoạt động văn hóa tinh thần tại những dịp hội, lễ. Tiếng chiêng thay cho nhiều lời nói, ước nguyện của con người trong giao tiếp với thần linh.

Thời khắc Giao thừa trưởng xóm, trưởng làng đánh ba hồi lại dùi ba tiếng chiêng, tiếp là ba hồi lại dùi ba tiêng trống hưởng ứng trống chiêng chia tay năm cũ, đón năm mới của ông trưởng xóm, trưởng làng, tất cả mọi nhà có chiêng đều nhất loạt đánh ba hồi lại dùi ba tiếng.

Trong thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới, cảnh vật như nín lặng chờ đợi thì tiếng chiêng, tiếng trống vang lên báo hiệu một sức sống mới đang đến với đồng bào. Tiếng chiêng nối tiếp nhau, hòa vào nhau tạo nên một không gian Văn hóa cồng chiêng rộng lớn, mang sắc màu văn hóa truyền thống tộc người. Nó không chỉ đánh thức lòng người mà còn truyền đến, đánh thức cả trời đất đón mừng mùa Xuân tươi vui để hy vọng bước vào một năm mới nhân khang, vật thịnh.

Sang ngày mồng 1 Tết (tức mồng 2 theo âm lịch) các phường bùa bắt đầu đi xắc bùa phát rác, đi đến các gia đình để chúc Tết. Cách chúc Tết này chỉ có riêng ở người Mường. Phường bùa thực chất là đội hình diễn tấu chiêng có từ 6 – 12 người, trong đó một người đứng đầu gọi là ông Trượng[1]. Đoàn đi đến đâu tấu chiêng xắc bùa đến đó, vào đến sân nhà ai ông Trượng cất lên lời bài hát phát rác (nghĩa là mở nước) chúc Tết gia đình. Thấy vậy, gia chủ xuống sân mời phường bùa lên nhà uống rượu xuân. Khi ra về bao giờ chủ nhà cũng có quà cho phường bùa như: bánh chưng, xôi…

Ngày mồng 7 tháng giêng tức là ngày Khai hạ, đây là ngày cuối cùng của Tết. Các gia đình có tổ chức Tết lại cũng sắp các mâm cúng mời tổ tiên và thành hoàng, thổ công vua bếp ăn ngày cuối của Tết. Ngày này hầu như các làng Mường đâu đâu cũng tổ chức các Lễ hội thuổng Mùa[2] – tức là lễ Khai hạ là lễ hội đầu năm có quy mô rộng khắp trong xứ Mường Hòa Bình.

Lễ hội Khai hạ không thể thiếu tiếng nhạc cò ke ống sáo, giàn cồng chiêng từ 12 đến 24 cô gái trang phục váy đen áo pắn khăn chít đầu màu trắng, thắt lưng xanh diễn xướng. Âm vang “Bong – Bính – Bong – Bính Bong – Khằm. Bính Bong – Bính  – Bính Bong – Khằm” trầm hùng thu hút sự chú ý của mọi người đến với lễ hội. Nhiều bài hát, điệu múa dân gian cổ truyền xen kẽ với những bài hát điệu múa mới sáng tác về những đề tài quê hương, đất nước, về lao động sản xuất, học tập phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các cô gái vừa đánh chiêng vừa múa: múa gậy, múa phách, múa trằm đuống …. Sau ngày này đánh dấu việc kết thúc chuỗi ngày đón Tết của đồng bào.

Tết năm mới của người Mường là một tập tục đẹp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, nhất là nghệ thuật diễn xướng dân gian trong đó có nghệ thuật cồng chiêng, cò ke ống sáo. Một trong những giá trị văn hóa mang tính nhân văn cao, hiện vẫn được người Mường lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

KH

Tổng số: 975 từ (kể cả tiêu đề và tên tác giả)

[1] ông Trượng là người có uy tín, có tài ứng khẩu, hát hay được bầu làm trưởng của phường bùa.

[2] Mường Bi và một số vùng gọi là khuổng mùa còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng.

RelatedPost

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu ( * )