You are here:  / Tài nguyên / NGƯỜI LÀM SỐNG LẠI HỒN SÁO ÔI CỦA DÂN TỘC MƯỜNG Ở TỈNH HÒA BÌNH
Bo-sao-meo

NGƯỜI LÀM SỐNG LẠI HỒN SÁO ÔI CỦA DÂN TỘC MƯỜNG Ở TỈNH HÒA BÌNH

Văn hóa nghệ thuật âm nhạc nói chung cũng như nhạc cụ truyền thống nói riêng của mỗi một dân tộc, đó chính là tài sản vô giá của mỗi một dân tộc. Mỗi một dân tộc lại có một nền văn hóa nghệ thuật âm nhạc riêng của mình. Mỗi một mảng màu riêng biệt đó, đặc sắc đó trong văn hóa nghệ thuật âm nhạc nói chung và nhạc cụ truyền thống nói riêng của từng dân tộc. Khi nói đến nhạc cụ dân tộc, Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, đa dạng và phong phú về các loại nhạc cụ dân tộc, riêng nhạc cụ bằng tre, nứa đã có đến hàng trăm loại và đó chính là những giá trị đã được hình thành và đúc kết từ rất lâu đời, từ đời ông cha để lại và cho đến ngày nay. Nếu chúng ta để mất đi những giá trị đặc sắc đó, những tinh hoa đó, tức là chúng ta đã để mất đi những cái thuộc về cơ bản nhất, quan trọng nhất và tinh túy nhất trong cốt lõi của nền văn hóa, nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Việt Nam có hàng trăm loại nhạc cụ của các dân tộc khác nhau, nhưng bài viết này chỉ muốn đề cập và nói về một loại nhạc cụ của dân tộc Mường nói chung và người Mường Hòa Bình nói riêng.

Đó là cây Sáo Ôi, Sáo Ôi bản thân nó được ra đời và có xuất sứ từ thấm thối cây si trong sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước làm nên. Dân tộc Mường là một trong số 54 dân tộc anh em trên đất nước ta, dân tộc Mường có chung một nguồn gốc với người Kinh (Việt Mường) và đã được tách ra từ thế kỷ thứ II, người Mường thường sống ở các nơi có hang động, thung lũng hay trên các sườn núi cao nên rất ít có sự giao thoa với các nền văn hóa khác. Chính vì vậy mà văn hóa của người Mường vẫn còn được bảo lưu, tồn tại và luôn phát triển cho đến ngày hôm nay. Người Mường sống ở nhiều tỉnh trên toàn Quốc như: Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn Tây (Hà Nội), Sơn La … nhưng chủ yếu sống tập trung đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình. Hòa Bình được mệnh danh là đất cổ là cái nơi sinh ra Họ và là cái nôi của người Mường. Trên mảnh đất quê hương của nền “văn hóa Hòa Bình” lâu đời và nổi tiếng. Trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc mình, người Mường có nhiều truyền thống vẻ vang về nhiều mặt. Riêng văn học dân gian chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tư tưởng của con người. Trong đó về dân ca, dân nhạc chiếm một vị trí đặc biệt và nó mang một tầm quan trọng hơn cả và  đã tìm được sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước nổi tiếng trong hát mo Mường.

Với truyền thống văn hóa văn nghệ lâu đời, phong phú, đa dạng và hết sức lành mạnh của mình, dân ca, dân nhạc nói riêng và nền văn hóa nói chung của dân tộc Mường đã góp phần làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng cho nền văn hóa nghệ thuật âm nhạc nói chung và nhạc cụ truyền thống nói riêng cho các dân tộc anh em, tạo nên nền văn hóa văn nghệ tốt đẹp của cả dân tộc Việt Nam. Dân tộc Mường có một nền văn hóa nghệ thuật từ rất lâu đời, mang nhiều màu sắc khác nhau, phong phú về thể loại. Như Múa, các trò trơi dân gian, các loại hình văn hóa tín ngưỡng như Mo, Mợi …  Đặc biệt là về dân ca và dân nhạc, khi nói đến nền văn hóa nghệ thuật âm nhạc, trong đó có nhạc cụ, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường được chia thành 3 nhóm: Nhạc gõ – Nhạc hơi – Nhạc dây. Trong 3 loại nhạc cụ của người Mường, đầu tiên bao giờ người ta cũng nhắc đến loại nhạc cụ gõ, đó là Cồng chiêng. Cồng chiêng là một biểu tượng thiêng liêng của người Mường, chính vì vậy mà nó không thể thiếu được trong sinh hoạt cộng đồng của người Mường, Cồng chiêng luôn luôn có mặt ở trong mọi lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi, trong lúc vui hay lúc buồn, trong đám hiếu hay trong đám hỷ, hay các cuộc vui chơi, săn bắn hay các ngày hội. Cồng chiêng của người Mường luôn luôn được xuất hiện trong mọi sinh hoạt cộng đồng. Còn về nhạc cụ hơi, được sử dụng nhiều nhất trong đời sống sinh hoạt thường ngày, đó là Sáo Ôi. Ngoài hai loại nhạc cụ Cồng chiêng, Sáo Ôi ra bản thân nó đã được người Mường tôn kính, yêu mến và quý trọng. Người Mường thường sử dụng Sáo Ôi để đệm cho hát, như vậy Sáo Ôi không những chỉ sử dụng để trình diễn cho độc tấu, mà Sáo Ôi còn được sử dụng để đệm cho hát các bài dân ca Mường. Sáo Ôi là một loại nhạc cụ luôn được người Mường cất giữ, bảo tồn và quý trọng, cây Sáo Ôi được người Mường gọi bằng từ (Ống Ôi hay Kháo Ôi).

Sáo Ôi là một loại nhạc cụ có xuất sứ từ dân tộc Mường, nó đã được thế hệ  ông cha của dân tộc Mường sáng chế ra một cách khéo léo, tài tình và đã được các bậc nghệ nhân truyền dạy từ đời này, qua đời khác, cho đến tận ngày hôm nay cây Sáo Ôi vẫn đang được tồn tại trong đời sống sinh hoạt của người Mường, bản thân nó luôn được các thế hệ ông cha giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Cho đến ngày nay Sáo Ôi được nâng lên một tầm cao mới, nó có thể biểu diễn các tác phẩm trong nước và ngoài nước. Về tính năng nhạc cụ cây Sáo Ôi ngày nay đã được đổi thay nhiều so với Sáo Ôi cổ. Để có được sự cải tiến, nâng cao và để được thành công đó phải kể đến công lao của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc, anh được sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo, là một trong bảy xã vùng Cộng hòa của huyện Lạc Sơn, đó là xã Văn Nghĩa. Trong thời chế độ Lang đạo, địa chủ họ phân huyện Lạc Sơn ra thành ba vùng lớn, vùng Đại đồng, vùng Quyết thắng, vùng Cộng hòa. Bảy xã vùng Cộng hòa được gọi chung là vùng Mường Vang, (Nhất Bi – Nhì Vang – Tam Thàng – Tứ Động). Quách Thế Chúc được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống về nghệ thuật, anh đã được thừa hưởng những tinh hoa nghệ thuật âm nhạc ấy và được các thế hệ đi trước say xưa truyền dạy cùng với sự đam mê âm nhạc, bản năng, năng khiếu về âm nhạc sẵn có, anh đã luôn miệt mài và không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để đưa cây Sáo Ôi của dân tộc Mường lên một tầm cao mới.

Qua lời kể của anh Quách Thế Chúc, anh đã được ông cha truyền lại và kể về nguồn gốc, sự ra đời của Sáo Ôi như sau:

Câu chuyện thứ nhất: “Ngày xưa có một gia đình sinh ra được 6 anh em trai, trong số 6 anh em trai đó có một người em út bị câm. Khi Bố mất các anh đều khóc lóc và than vãn nức nở trước linh hồn người cha, còn người em thì không thể khóc và nói nên lời được, để giãi bầy sự đau khổ của mình trước linh hồn người Cha đáng kính, người em út đã nghĩ ra một loại nhạc cụ. Để thay cho những lời khóc than, để nói lên sự đau khổ và bầy tỏ sự thương tiếc, sót xa trước vong linh của người Cha kính yêu, người em út đã lấy cây nứa khoét thành 4 lỗ và thổi, tiếng sáo kêu thật thảm thương, tha thiết, xót xa. Từ đó loại nhạc cụ ấy được ra đời và được người đời sau đặt một cái tên là “Kháo Ôi! ” nay vẫn thường gọi là Ống Ôi hay Sáo Ôi. Chính vì sự tích của nó mang một ý nghĩa nhân đạo lớn lao, cao cả như vậy cho nên cây Sáo Ôi của người mường luôn luôn được các thế hệ sau kính trọng, trân trọng và giữ gìn cho đến ngày hôm nay.

Câu truyện thứ hai kể về xuất sứ của Sáo Ôi. Ở một làng kia có một chàng trai mồ côi mẹ từ bé và được dân làng đặt tên cho là Côi. Côi ở với bố. Mặc dù rất thương yêu Côi nhưng bố vẫn cảm thấy thiếu người cùng đi sớm về trưa để làm bạn. Ít lâu sau, bố Côi lấy người vợ kế rồi sinh được một đứa em gái. Em của Côi lớn như thổi, em lớn rồi chẳng những Côi có người đỡ đần công việc mà cảnh gia đình cũng được đầm ấm hơn. Khi em gái của Côi đã bắt đầu biết làm việc, hàng ngày dì ghẻ cùng Côi và em gái lên nương làm rẫy, lúc về lại mang củi hay nứa về nhà để đun nấu. Mọi công việc họ đều bảo nhau làm ăn tốt lành.

Một hôm bố Côi đi việc trong Mường, dì ghẻ ở nhà lo bếp núc, hôm đó chỉ có hai anh em Côi đi làm nương. Cả buổi sáng hôm đó không có việc dì xảy ra. Đến trưa, trên đường về, người em gái trông thấy cây ổi mọc trên miệng vực sâu, quả đã chín vàng thơm phức. Vì thèm quá nên em bảo anh lấy ổi cho để ăn, Côi đặt gánh củi xuống đi men theo miệng vực, víu cành lấy được mấy quả ổi cho em thì bỗng đất lở và Côi bị ngã xuống vực, cũng may, tuy chàng trai bị rơi xuống vực nhưng nhờ có các làn cỏ giác, lùm cây bông “clăng” đỡ cho nên không bị đau lắm. Ở trên miệng vực em gái gọi mãi không thấy anh thưa, em đang loay hoay không biết làm gì, đành ngồi xuống khóc lóc.

Quá trưa, người dì ghẻ không thấy các con về. Biết có sự chẳng lành, bà ta vội lên nương để đi tìm các con. Khi biết Côi ngã xuống vực, bà vừa lo vừa thương nhưng không biết làm cách nào để kéo Côi lên được. Loay hoay mãi, hai mẹ con mới tìm được một kế, Chặt một cây tre ngà thả xuống để làm thang cho Côi leo lên. Ở dưới vực, Côi đã tìm mọi cách nhưng vẫn không thể leo lên được. Mệt quá chàng ngồi dựa lưng vào thành vực để nghỉ. Bỗng có một làn gió từ trên thổi xuống, gió thổi qua các ống nứa bị dập nằm ghếch gác ngang dọc ở dưới vực và nó phát ra những tiếng vi vu nghe rất lạ tai. Một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu chàng trai, có thể khoét những lỗ nhỏ trên ống nứa để thổi nghe cho đỡ buồn. Chàng lấy một cây nứa nhỏ đã khô, dùng vỏ ốc khoét lỗ làm ống để thổi và chàng trai thổi thử, ống nứa phát ra tiếng vi vu. Rồi chàng trai lại loay hoay khoét 4 lỗ khác tựa như các lỗ sáo ngày nay. Lần này âm thanh vang hơn, lúc bổng, lúc trầm nghe thủ thỉ dễ thương. Càng thổi tiếng sáo của chàng càng vang xa đi khắp núi rừng xung quanh. Nghe tiếng Sáo Ôi vang lên như tỏ tình thương nhớ, các con vật xung quanh như con vượn, con khỉ rủ nhau đến để nghe mỗi lúc một đông. Chúng đậu đầy ngọn cây ổi làm cho cây ổi trĩu xuống gần dưới lòng vực, chàng trai nhìn thấy ngọn cây ổi ở gần, chàng bíu lấy làm chỗ dựa để leo lên. Thấy động, đàn vượn đàn khỉ nhảy sang cây khác, cây ổi đó bật lên và đưa được chàng trai lên khỏi vực. Hai mẹ con dì và em gái rất phấn khởi, cũng vừa lúc đó bố đi làm về không thấy cả nhà đâu cũng đang đi tìm vừa đến nơi. Cả nhà xúm lại để nghe Côi kể chuyện mình lên được vực, nghe xong ai cũng mừng và bảo chàng trai thổi lại Ôi để nghe. Chàng trai thổi vang vọng lên tiếng: “Ôi…! Ơi…!” như than như gọi. Bởi thế mọi người gọi nó là: “Kháo Ôi” (Ống Ôi).

Nếu như ta thấy các chàng trai người HMông dùng tiếng khèn để trổ tài, để tỏ tình, trao tình, gọi tình, để chinh phục các cô gái đến với mình thì các chàng trai Mường cũng có Sáo Ôi để làm vậy, có kém gì nhau. Có điều khác là các chàng trai Mường không thổi trực diện để tránh thẹn thùng, xấu hổ, làm mất cái đẹp kín đáo, mà các chàng trai Mường chỉ thổi một cách bẽn lẽn, tế nhị cũng như phong cách giao tiếp của văn hóa Mường vậy. Cho nên các chàng trai thanh niên Mường chỉ thường thổi ở ngoài cổng, để cho cô gái ở trong nhà nghe, ngoài làng, thổi từ đầu làng này cho đầu làng nọ nghe, lúc đi rừng đi nương thì ở nương này thổi cho bóng râm kia nghe, bên sông suối thì bến nước này thổi cho bến nước kia nghe, tiếng Sáo Ôi nghe sao mà đậm đà thắm thiết, nghe sao mà thương mà nhớ, điều đó đã mang một dấu ấn đậm đà bản sắc của một dân tộc, một bản sắc văn hóa mà chỉ có người Mường mới có. Từ bản chất âm thanh nghe thật não nề, thương nhớ, nghe đâu đó văng vẳng xa xa lại gần gần, nó làm cho người nghe luôn luôn thương, luôn luôn nhớ cái tiếng Sáo Ôi…! Ơi…! Như kêu như gọi trong lòng bạn ơi …em ơi…yêu ơi… thương ơi … nhớ ơi… những tiếng gọi đó đã làm cho các cô gái Mường ở trong nhà đứng ngồi không yên. Kể cả trong những lúc đang làm việc ngoài đồng áng hay những lúc đêm nằm, tiếng Sáo Ôi vẫn cứ văng vẳng bên tai, lúc ẩn lúc hiện, những lời tỏ tình thương nhớ ấy, sao mà đậm đà sâu lắng, và nó đã tỏ lòng mến yêu vô bờ bến. không chỉ có thế, tiếng Sáo Ôi còn làm cho vui cửa, vui nhà, vui làng, vui xóm vui cả lúc ban ngày lẫn ban đêm vui từ người già đến trẻ em. Từ đó nó đã làm cho con người thêm yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu con người một cách da diết, nồng cháy hơn.

Cũng vì vậy mà các chàng trai đã thổi với hết khả năng, tâm huyết của mình để gửi gắm vào tiếng Sáo Ôi, từ đó tiếng Sáo Ôi vang lên, thốt ra từ đáy lòng mình mà ơi…! mà ôi …! vậy. Từ cái tiếng lòng ấy, từ cái tiếng Ôi …! Tiếng Ơi …! ấy, nó đã chắp cánh cho từng đôi thanh niên nam nữ tự nguyện đến với nhau, để thành đôi, thành lứa, thành vợ thành chồng, thành một gia đình hạnh phúc. Cũng từ cái tiếng Ôi…! Ơi …! ấy một cách hồn nhiên, say đắm mà nên tình, nên nghĩa, nên duyên từ đó.

Qua những câu truyện dân gian, cổ tích, thần thoại mà anh Quách Thế Chúc kể ở trên về Sáo Ôi của dân tộc Mường, hai câu truyện đó là hai câu chuyện dân gian được thế hệ người Mường xưa kể lại, dựa vào đó để nói về sự ra đời của Sáo Ôi, nhưng cũng đồng thời dựa vào câu truyện đó để khuyên dăn, dạy bảo thế hệ sau hãy sống cho có tình, có hiếu, có trên, có dưới, kính trên, nhường dưới sống sao cho có tình, có nghĩa, đúng với đạo lý làm người của con người Việt Nam ta. Câu truyện mang tính giáo dục và nó đã để lại cho thế sau những tri thức, một di sản vô giá. Ngoài việc truyền dạy đạo lý làm người, câu truyện còn khuyên bảo thế hệ sau phải biết trân trọng cái di sản mà ông cha đã để lại cho muôn đời sau.

Cây Sáo Ôi, như trong hai câu truyện được kể ở trên, mỗi một câu truyện được ra đời trong một bối cảnh khác nhau, nhưng chung quy lại cả hai câu truyện đều mang tính giáo dục truyền dạy lại cho thế hệ sau nên làm những việc thiện. Phải chăng người Mường đã và đang sống theo những gì mà ông cha của họ để lại. Họ đang sống hiền hòa trong các thung lũng, ven sườn núi để bảo lưu những di sản của mình, họ đang sống yên bình như tiếng Cồng, tiếng Chiêng và họ đang sống dịu dàng, thắm thiết như tiếng Sáo Ôi của họ vậy. Những câu truyện dân gian được kể ở trên, qua những tình tiết ấy nó đã ăn sâu vào tâm thức của người Mường, chính vì vậy người Mường trân trọng và bảo vệ được cái di sản của mình. Như Sáo Ôi, như Cồng Chiêng … Đặc biệt là Sáo Ôi, nó mang trong mình một tố chất mà không phải loại nhạc cụ nào cũng có được. Khi Sáo Ôi vang lên nó phát ra âm thanh nghe thật não nề, thân thương, lưu luyến, bồi hồi. Sáo Ôi, nó có một sự tích ra đời như vậy và Sáo Ôi nó được phát ra một âm thanh hết sức đặc biệt như vậy. Từ những lý do ấy, anh Quách Thế Chúc lại kể tiếp về cách làm một cây Sáo Ôi sao cho hay. Khi làm một Sáo Ôi, người ta phải rất công phu, cẩn thận  lựa chọn một cách thật tỉ mỉ, từ lúc ban đầu cho đến khi hoàn thành, họ phải chọn một cây nứa thật như ý để làm một chiếc Sáo Ôi. Khi muốn làm được một Sáo Ôi tốt, thì nên chọn lấy loại cây nứa nào?. Từ khi chọn cây đến khi tiến hành làm cho đến khi kết thúc, người ta phải chọn và tiến hành các bước sau:

Công việc đầu tiên để có được một cây Sáo ôi tốt, hoàn chỉnh như ý muốn, người ta đã phải công phu bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian tìm kiếm cho được một cây nứa vừa ý để làm ra một cây Sáo Ôi tốt. Muốn làm được một cây Sáo Ôi tốt  người ta phải trải qua các bước sau:

–   Trước hết phải cần lựa chọn một cây nứa mọc ở phía đằng Đông và

ngọn của nó cũng hướng thẳng về phía Đông.

–   Cây nứa phải là một cây nứa “khèng” (cây nứa sành, nứa tép).

–   Thân của cây nứa đó có đường kính 1,5 cm, chiều dài của ống từ đốt

này tới đốt kia phải đảm bảo độ dài từ 68 cm đến 70 cm.

–   Phải là một cây nứa già, thân cây của nó không phải là màu xanh mà

thân của nó phải hơi ngả sang màu vàng hoặc ngả sang màu vàng óng

càng tốt.

–   Một việc hết sức quan trọng nữa là cây nứa đó không được cụt ở phần

ngọn. Sau khi đã chọn được một cây nứa đủ các tiêu chí như đã nói ở

trên, người ta chặt cây đó và lấy hai đoạn ống thẳng nhất mang về phơi

nắng

cho thật khô, sau khi thân cây đã được phơi khô người ta bắt đầu tiến

hành các bước như sau:

  • Cắt sát đốt của đoạn ống dài (Tính từ đốt này đến phần cắt sát đốt kia có chiều dài 68 cm đến 70 cm)
  • Cắt phần ống còn lại của đầu kia để dư lại 7 cm (Tính từ đốt giữa ngược lại, tức là để lại đốt giữa, một bên là 70 cm và một bên là 7 cm)
  • Cắt hai đầu sao cho thật đều, bằng phẳng sau đó người ta dùng một thanh sắt cho vào lửa sao cho thanh sắt đó đỏ lên, rồi dùi lỗ sát vào đốt mỗi một bên ống một lỗ sau đó dùi vào chính đốt nhưng không để thông hết đốt chỉ cần một chút (sâu 0,1 cm) để khi thổi hơi được truyền từ đầu ống bên này sang đầu ống phía bên kia.
  • Đo chiều dài của ống 70 cm chia đôi tức 35 cm dùi vào đấy một lỗ, sau đó chẻ một cái lạt mỏng mềm để đo vanh của thân cây sáo và lấy chiều dài của vanh cây sáo đó làm khoảng cách các lỗ với nhau.
  • Khoan thành 4 cái lỗ từ giữa ống trở xuống, lỗ ở chính giữa được khoan ở phía dưới ống (dùng ngón cái để bấm), còn 3 lỗ còn lại nằm ở phía trên ống, mỗi lỗ cách nhau chính là chiều dài đo vanh của thân cây và 4 lỗ đó là 4 lỗ chính dùng để điều chỉnh âm thanh phát ra.
  • Toàn bộ cây sáo người ta phải dùi thành 7 lỗ 4 lỗ chính (dùng để điều chỉnh âm thanh), 1 lỗ để thông hơi ở trên đốt và hai lỗ được khoan ở phía dưới cùng của cây sáo, lỗ đó dùng để treo trên tường nhà.
  • (Ngày nay người ta dùi thành 8 lỗ chính) 1 lỗ để thông hơi ở trên đốt, một lỗ được khoan ở chính giữa phía mặt dưới (dùng ngón tay cái để bịt)  5 lỗ tiếp theo được khoan ở trên mặt và sau cùng là nốt được khoan ở bên cạnh của cây sáo, lỗ này dùng ngón út để bấm.
  • Một khâu cuối cùng, ngày xưa người ta dùng lá chuối ngày nay người ta dùng bằng băng dính để buộc bịt kín lại lỗ dùi phía đầu ngắn (Phía đầu thổi) để cho hơi không thoát ra ngoài, mà thông thẳng sang ống bên kia (Phía ống dài) từ đó nó phát ra âm thanh, người ta dùng 4 ngón tay (Ngày nay được dùng 7 ngón) để bấm và điều chỉnh các lỗ theo độ vang cao thấp của cây sáo, điều khiển theo ý mình muốn.
  • Cấu tạo của một cây Sáo ôi cổ
  • Tổng chiều dài của cây sáo là 77 cm.
  • Phía ống ngắn, từ đốt lên đến đầu thổi có chiều dài là 7 cm
  • Phía ống dùng để bấm (Từ đốt đến hết chiều dài của ống có chiều dài là 70 cm.
  • Người ta khoan thành 7 lỗ. 1 lỗ được dùi ở chính giữa đốt (lỗ thông hơi). 1 lỗ được dùi ở giữa nửa phần ống phía dưới, lỗ này nằm ở phía dưới mặt ống (dùng ngón cái để bấm) 3 nốt tiếp theo, mỗi một lỗ cách nhau bằng chính cái vanh của thân cây sáo đó và 2 lỗ còn lại được dùi xuyên ngang qua nhau ở phía dưới cách đầu cuối cùng của ống khoảng 1 cm (Dùng để treo trên vách nhà).
  • Sáo ôi cổ có 4 lỗ chính dùng để bấm và nó có 5 nốt chính là: Đồ – Mi – Fa – Son – Sí
  • Dùng lá chuối để bịt một nửa lỗ ở chỗ đốt, để khi thổi hơi từ ống trên xuyên qua đốt xuống ống dưới.
  • Cấu tạo của một cây Sáo ôi mới (do anh Quách Thế Chúc cải tiến)

–    Tổng chiều dài của cây sáo là 77 cm.

  • Phía ống ngắn, từ đốt lên đến đầu thổi có chiều dài là 7 cm

–   Dùng băng dính để bịt một nửa lỗ ở chỗ đốt, để làm sao khi thổi hơi

không thông qua ở nửa lỗ phần trên, mà để hơi từ ống trên xuyên qua

đốt xuống ống dưới.

  • Phía ống dài dùng để bấm (Từ đốt đến hết chiều dài của ống có chiều dài là 70 cm.
  • Khoan thành 8 lỗ. 1 lỗ được dùi ở chính giữa đốt (dùng để thông hơi từ đốt này sang đốt kia). còn lại dùi tiếp 1 lỗ ở chính giữa ống, phía dưới mặt ống (dùng ngón cái để bấm) còn 5 nốt được dùi ở phía trên của mặt ống. 1 nốt còn lại được dùi ở dưới cùng, phía bên cạnh ống (dùng ngón út để bấm).
  • Sáo Ôi khi đã được cải tiến thành 7 lỗ bấm, thì các nốt của nó giống

như sáo trúc 6 lỗ thổi ngang. Âm thanh của nó được phát ra các nốt là: Đồ – Rê – Mi – Fa – Son – La – Si

Cây Sáo Ôi cổ nó được sinh ra bởi chính với nền âm nhạc cổ truyền của

đất nước ta, âm lượng của Sáo Ôi cũng như âm của các sáo dọc khác, bởi nó được làm cùng  từ một loại cây nứa. Song vì ống Ôi dài hơn, cấu tạo của nó chỉ có 4 lỗ bấm và 5 nốt nhạc là: Hò – Sự – Sang – Xê – Cống và lên quãng cao (quãng 8) cũng chỉ có thế. Do vậy , tiếng Sáo Ôi phát ra man mát, dịu dàng, êm êm, có một sắc thái riêng biệt của nó. Sáo Ôi khác với Sáo trúc, Sáo Ôi thổi được các làn điệu dân ca Mường và các loại nhạc trữ tình, tiếng Sáo Ôi rất phù hợp với chất dân ca, chữ tình của người Mường. Tiếng Sáo Ôi của người Mường được ví thay cho tiếng gọi người yêu, tiếng gọi của tình yêu.

Nhìn từ góc độ văn hóa dân gian, Sáo Ôi có xuất sứ từ những câu truyện dân gian của dân tộc Mường, thông qua câu truyện dân gian được kể ở trên, nhìn chung các câu truyện đó đều nói lên tính nhân văn cao cả, đạo lý làm người, cuộc sống tốt đẹp giữa con người với con người, tình hiếu thảo giữa cha và con. Như trong câu truyện thứ nhất, khi cha mất, người con bị câm không than khóc bằng lời được, không bầy tỏ lòng, không nói lên được sự xót thương với người cha được nên đã nghĩ ra một loại nhạc cụ để thổi và gửi gắm tất cả những lời xót thương vô hạn trong tiếng Sáo Ôi … Từ đó Sáo Ôi được ra đời.  Sáo Ôi là một loại nhạc cụ hơi được làm từ thân cây nứa và Sáo Ôi có xuất sứ từ những câu truyện dân gian của người Mường. Sáo Ôi mang đậm nét văn hóa của dân tộc Mường, là một loại nhạc cụ mang hình giáng đơn sơ, có âm thanh hết sức đặc biệt. Từ bản chất âm thanh của cây Sáo Ôi được phát ra nghe thật não nề, thương nhớ, nghe đâu đó văng vẳng xa xa lại gần gần, thì thầm, lúc to lúc nhỏ, âm thanh đó làm cho người nghe luôn luôn thương, luôn luôn nhớ cái tiếng Sáo Ôi…! Ơi…! Như kêu như gọi trong lòng bạn ơi …em ơi…yêu ơi… thương ơi … nhớ ơi… những tiếng Sáo Ôi được cất lên văng vẳng đâu đó, nghe lúc xa lúc gần đã làm cho các cô gái Mường ở trong nhà đứng ngồi không yên. Kể cả trong những lúc đang làm ngoài đồng áng hay những lúc đêm nằm, tiếng Sáo Ôi vẫn cứ văng vẳng bên tai, những lời tỏ tình thương nhớ ấy đã làm cho các cô gái Mường luôn bày tỏ lòng mến yêu vô bờ bến.

Tiếng Sáo Ôi nghe thật dịu dàng, hiền hòa giống với con người và cuộc sống của họ đang sống vậy. Người Mường thường sinh sống ở các nơi gần hang động, sườn núi, các thung lũng hay men theo các con sông, con suối, điều đó đã làm cho cuộc sống của người Mường ít giao thoa với các dân tộc khác và điều đó đã làm hạn chế phần nào về sự phát triển kinh tế của người Mường, nhưng cũng chính từ lý do đó mà cho đến ngày hôm nay người Mường vẫn bảo tồn, giữ gìn được nhiều bản sắc riêng của mình.

Cồng chiêng và Sáo Ôi. Đây là hai loại nhạc cụ được người Mường sử dụng nhiều nhất, nhưng cách thức khi sử dụng hai loại nhạc cụ này, được người Mường sử dụng trong mỗi công việc khác nhau và trong các tình huống khác nhau. Cồng Chiêng, được người Mường sử dụng trong mọi lĩnh vực như trong đám hiếu, trong lúc đi săn bắn, trong các ngày hội … Nhưng Sáo Ôi, được người Mường sử dụng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng một cách khác. Đặc biệt trong đám ma người Mường không bao giờ sử dụng Sáo Ôi, tuy trong câu truyện dân gian (câu truyện thứ nhất) của người Mường, kể về xuất sứ và sự ra đời của Sáo Ôi là sử dụng Sáo Ôi để bày tỏ lòng xót thương trước vong hồn người cha, nhưng về sau người Mường lại không sử dụng Sáo Ôi trong đám ma, mà Sáo Ôi chỉ được người Mường sử dụng để đệm cho hát dân ca Mường, thổi ngẫu hứng, độc tấu, dùng cho các chàng trai thổi lúc đi chơi trong đêm khuy thanh vắng.

Sáo Ôi là một loại sáo được dùng để thổi dọc và sơ khai của cây Sáo Ôi chỉ có 4 nốt bấm (5 nốt nhạc) chính vì vậy mà tính năng của nó có phần hạn chế. Trải qua bao nhiêu thời gian năm tháng, các thế hệ của người Mường đã luôn luôn không ngừng cải tiến nâng cao, phát triển để Sáo Ôi đạt tới một tầm cao như ngày hôm nay. Đặc biệt là Nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc đã cải tiến và đưa Sáo Ôi của dân tộc Mường tới một đỉnh cao mới. Hiện nay Sáo Ôi đã được anh Quách Thế Chúc cải tiến và phát triển thành 7 lỗ bấm và đủ 7 thanh âm bình quân (Đồ – Rê – Mi – Fa – Son – La – Si). Vì vậy tính năng của Sáo Ôi cũng không thua kém gì các loại nhạc cụ khác như kỹ thuật: tr…luyến, láy, láy đơn, láy kép, vuốt ngón …Có thể thổi các bài có kỹ thuật khó, có tốc độ nhanh… Sáo Ôi vẫn đạt tới các kỹ năng về âm nhạc. Sáo Ôi đã dần dần khẳng định vị thế của mình, không những chỉ riêng với người Mường mà ngày nay Sáo Ôi đã lan tỏa đi khắp nơi, nó đã xuất hiện không chỉ trong đời sống lao động, sinh hoạt của quần chúng nhân dân, mà Sáo Ôi đã được xuất hiện trên cả sân khấu chuyên nghiệp, trong các trường nghệ thuật. Hiện nay trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc đã đưa Sáo Ôi vào giảng dạy chính khóa trong nhà trường, do nghệ nhân, giảng viên Quách Thế Chúc trực tiếp giảng dạy. Trong các cuộc hội diễn chuyên nghiệp, Sáo Ôi cũng đã đạt được rất nhiều huy chương bạc. Như trong hội diễn toàn miền Bắc năm 1962, tác phẩm được nhà sưu tầm về văn hóa mường Bùi Thiện (Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) sưu tầm, biên soạn và do chàng trai Mường Bùi Quyển (Văn nghĩa, lạc Sơn, Hòa Bình) trình diễn và đã đạt được huy chương Bạc. Tiếp theo là hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, năm 1995 do nghệ nhân Quách Thế Chúc đoàn nghệ thuật tỉnh Hòa Bình biểu diễn và đoạt huy chương Bạc, liên tiếp cho đến năm 1999 năm 2004 Quách Thế Chúc đều đã đoạt huy chương Bạc trong những cuộc hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Đặc biệt gần đây nhất là hội diễn các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, được tổ chức tại Thành Phố Đà Nẵng năm 2005 em Bùi Văn Cảnh là học sinh khoa âm nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc do giảng viên Quách Thế Chúc trực tiếp giảng dạy và đã đoạt huy chương bạc.

Như vậy Sáo Ôi không những chỉ được lưu truyền qua các thế hệ của người mường, mà ngày nay Sáo Ôi đã trở thành một loại nhạc cụ được phổ biến và có mặt trong làng âm nhạc chuyên nghiệp, được đào tạo một cách bài bản, chính quy trong nhà trường chuyên nghiệp. Điều đó đã khẳng định vị thế, sự phát triển và tầm quan trọng của Sáo Ôi trong nền văn hóa nghệ thuật nói chung và với nhạc cụ truyền thống nói riêng. Sáo Ôi đã góp phần làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng của nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Sáo Ôi đạt được một tầm cao mới xứng danh với các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, điều đó, công lao đó không thể không nhắc tới nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc, anh chính là người làm sống lại cái hồn của Sáo Ôi và đưa Sáo Ôi đứng trên một vị trí mới cao hơn. Trước năm 1975, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, Sáo Ôi vẫn vang lên trong bom đạn, vẫn cùng các tràng trai Mường đi xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, Sáo Ôi vẫn đứng vững và Sáo Ôi vẫn tồn tại một cách thầm lặng, bình thản như chính âm thanh của bản thân nó phát ra vậy. Trước  thời kỳ giải phóng (1975) Người Mường chỉ dùng Sáo Ôi một cách hết sức bình dị, đơn giản được coi như một công cụ rất gần gũi và được người Mường quý mến, Sáo Ôi nó luôn luôn được song hành trong đời sống sinh hoạt của người Mường, Sáo Ôi thường được sử dụng vào lúc sau một ngày làm việc mệt mỏi, đặc biệt là đối với các tràng trai thanh niên, hầu hết họ đều biết sử dụng Sáo Ôi nhưng thời kỳ đó họ chỉ sử dụng cây Sáo Ôi một cách mộc mạc, về phần kỹ thuật họ chưa có một khả năng trình diễn, mà họ chỉ sử dụng một cách đơn giản, coi đó là một thứ vật dụng để giải trí, vui chơi dùng để thổi sau những giờ làm việc mệt mỏi hay trong khi đi chơi lúc đêm khuy thanh vắng. Về giai điệu, lúc bấy giờ họ chỉ thổi một cách tự nhiên ngẫu hứng hoặc thổi các làn điệu dân ca Mường như: Hát Đúm – Hát ví – Phát rác -Mời trầu – Đập bông bông … Cho nên về phần kỹ thuật họ chưa coi trọng và chưa được quan tâm lắm, về bài bản để dùng cho trình diễn Sáo Ôi cũng chỉ được sử dụng một cách ngẫu hứng  là chính. Về phần kỹ thuật trình diễn và các bài bản được tồn tại một cách tự nhiên, bình thường như vậy là vì: do sự hạn chế về cấu tạo của cây sáo, lúc bấy giờ Sáo Ôi chỉ có 4 lỗ  bấm và có 5 nốt (5 cao độ) nốt Hò, nốt Sự, nốt Sang, nốt Xê, nốt Cống. Chính vì vậy mà tính năng của nó có phần hạn chế, từ đó nó làm ảnh hưởng tới người thổi sáo, có muốn thổi những bài nhiều nốt cũng không thổi được, hoặc không có bài mà thổi vì ngày trước các bài dùng để trình diễn của Sáo Ôi, hầu như là dựa vào các bài dân ca sẵn có, còn về sáng tác mới rất ít hoặc có bài nhưng không phù hợp với tính năng của nó, do đó sự phát triển của Sáo Ôi lúc bấy giờ nó chỉ mang tính bảo lưu và tồn tại.

Khi bước sang thập kỷ 90 của thế kỷ XX này, Sáo Ôi đã được nghệ nhân Quách Thế Chúc (Văn nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình, nay là giáo viên trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc) anh đã cải tiến Sáo Ôi lên một tầm cao mới, từ sáo Ôi 4 lỗ (5 âm)  nay đã được cải tiến thành 7 lỗ (7 âm) Từ một Sáo Ôi chỉ được dùng để thổi ngẫu hứng, thổi các bài dân ca Mường hay đơn giản là chỉ đệm cho hát các bài dân ca Mường. Từ một nhạc cụ chỉ mang tính nghiệp dư, giờ đây Sáo Ôi đã xứng đáng để được đứng trong hàng nhạc cụ chuyên nghiệp. Hiện nay Sáo Ôi đã có mặt ở khắp nơi và đã được công chúng chấp nhận, không những chỉ ở người Mường, hay các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, mà cả những người nước ngoài họ cũng đã đồng cảm với Sáo Ôi. Sáo Ôi không chỉ có độc tấu, đệm cho hát mà Sáo Ôi ngày nay còn được các nhạc sỹ sử dụng trong dàn nhạc giao hưởng như tác phẩm “Bóng núi không tan” của nhạc sỹ Tống Hoàng Long. Đã có đoạn viết solo cho Sáo Ôi. Hay như tác phẩm “Hòa tấu sáo Trúc, Sáo Ôi cùng dàn nhạc giao hưởng” của nhạc sỹ Trần Ngọc Dũng, do nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc thổi.

Sáo Ôi nhìn từ xưa tới nay và từ nay tới xưa, đó là hai khoảng cách khá xa giữa xưa và nay, giữa nay và xưa. Từ một cây sáo chỉ mộc mạc, đơn sơ … Trải qua thời gian năm tháng, qua bao nhiêu biến cố của lịch sử của thời gian, Sáo Ôi luôn được gắn kết với cộng đồng người Mường. Từ lúc sơ khai cho đến ngày nay Sáo Ôi đã không ngừng phát triển, một loại nhạc cụ được làm bằng cây nứa, cấu tạo của nó chỉ với 4 lỗ bấm nhưng do sự khéo léo, tài tình của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc, nay Sáo Ôi đã không ngừng phát triển để theo kịp sự đi lên của nền âm nhạc nước nhà. Ngày nay Sáo Ôi đã khẳng định được diện mạo của mình. Sáo Ôi đã không phụ lòng với các bậc tiền bối, các bậc nghệ nhân của người Mường cũng như công lao hết sức to lớn của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc. Sáo Ôi không những là một loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Mường, mà ngày nay Sáo Ôi đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

Dân tộc Mường đã giữ gìn được bản sắc riêng của mình, đặc biệt là Cồng chiêng  và Sáo Ôi … Một dân tộc mà đánh mất bản sắc của dân tộc mình thì sớm hay muộn tất yếu cũng sẽ bị dân tộc khác đồng hóa, xâm chiếm hoặc cai trị. Việc giữ gìn bản sắc dân tộc còn có tầm quan trọng đối với việc nhận thức về sự tồn tại của chính cộng đồng đó trong lịc sử. Thực trạng đã cho ta thấy, nhiều dân tộc từ chỗ đánh mất sinh hoạt trong đó có âm nhạc, điều đó sẽ mau chóng dẫn đến bị xóa tên trên bản đồ cộng đồng các dân tộc. Một dân tộc cắt đứt quan hệ với truyền thống thì sẽ không thể tạo ra cơ sở cho bước tiến vào tương lai. Hy vọng rằng Sáo Ôi sẽ được nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc không ngừng cải tiến để đưa Sáo Ôi phát triển mãi mãi và cũng hy vọng, Sáo Ôi không chỉ với dân tộc Mường biết đến mà nhiều dân tộc khác trên thế giới biết đến. Sáo Ôi không những chỉ dừng lại ở chỗ dùng cho độc tấu, đệm cho hát dân ca Mường, mà Sáo Ôi còn là một cây solo chính trong dàn nhạc giao hưởng. Sáo Ôi xứng đáng có được một chỗ đứng và có một vị trí quan trọng trong các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.

Th.s. Bùi Văn Hộ

RelatedPost

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu ( * )